0
(0)

Vẫn còn những lao động nữ (LĐN) nghĩ rằng chế độ thai sản là 4 hoặc 5 tháng, thậm chí có người nuôi con nhỏ dưới 3 tuổi không dám nghỉ khi con ốm vì sợ bị trừ lương… Đó là một trong những vấn đề đặt ra tại Hội thảo đánh giá thực trạng thực hiện quyền của LĐN trong doanh nghiệp và đề xuất giải pháp của tổ chức CĐ thúc đẩy thực hiện quyền của LĐN trong doanh nghiệp do Tổng LĐLĐVN tổ chức ngày 30.6.

Chưa nắm được quy định về quyền của bản thân

Bà Trần Thu Phương – chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học “Giải pháp thúc đẩy thực hiện quyền của LĐN trong doanh nghiệp và vai trò CĐ” của Tổng LĐLĐVN giao Ban Nữ công chủ trì, cho biết kết quả khảo sát thực trạng thực hiện quyền riêng của LĐN trong doanh nghiệp cho thấy có 14,3% LĐN cho rằng chưa có bình đẳng trong tuyển dụng; 34,2% NLĐ cho rằng LĐN không được quyền tham gia các lớp đào tạo nghề của doanh nghiệp; 34% LĐN cho biết không có quyền bình đẳng trong phát triển sự nghiệp, thăng tiến. Cá biệt có 1,6% LĐN khi tham gia tuyển dụng được yêu cầu không được sinh con trong 1 thời gian nhất định; 1% LĐN được yêu cầu thử thai trước khi ứng tuyển. Hiện cũng vẫn còn tình trạng LĐN chưa nhận thức hết được quyền lợi của mình, có 11,9% vẫn sẵn sàng nộp các giấy tờ gốc như căn cước công dân, bằng cấp hoặc đặt cọc tiền để được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, 3,3% vẫn nghĩ LĐN được hưởng chế độ thai sản 4 hoặc 5 tháng; 8,3% LĐN có con dưới 7 tuổi ốm xin nghỉ không lương không thanh toán chế độ BHXH và 2% không dám nghỉ vì sợ trừ lương. Nguyên nhân của tình trạng này là do LĐN không nắm được những quy định pháp luật nên không biết về quyền của mình.

Chính sách đối với DN sử dụng nhiều LĐN cần được thực thi trên thực tế

Thực tế cho thấy CĐ đã có nhiều hoạt động để thúc đẩy thực hiện quyền của LĐN trong doanh nghiệp. Tại Thái Nguyên, CĐ bảo vệ quyền của LĐN trong doanh nghiệp thông qua đối thoại, ký kết TƯLĐTT. Hiện Thái Nguyên có trên 50% doanh nghiệp thực hiện việc hỗ trợ tiền gửi trẻ, nhà ở, trợ cấp đời sống cho NLĐ từ 15.000 đồng đến 400.000 đồng/người/tháng. Một số doanh nghiệp đã quan tâm nâng cao chất lượng bản TƯLĐTT để có những nội dung cao hơn luật về chế độ chính sách đối với LĐN như nâng cao chất lượng bữa ăn ca, quan tâm đến bữa ăn ca riêng đối với nữ CNLĐ đang mang thai, chế độ nghỉ ngơi cho LĐN nuôi con dưới 12 tháng tuổi và thời gian kinh nguyệt…

Hay như CĐ Khu Kinh tế Hải Phòng đã thương lượng và ký kết thành công TƯLĐTT nhiều doanh nghiệp với 20 doanh nghiệp Hàn Quốc, trong đó có nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ so với quy định của pháp luật, gồm một số nội dung liên quan trực tiếp đến LĐN như nghỉ trong kỳ nguyệt san tối thiểu 30 phút/3 ngày/tháng, nếu do yêu cầu sản xuất phải làm việc trong những ngày này thì nghỉ 02 giờ/tháng hoặc cộng thêm 90 phút làm thêm giờ làm việc trong tháng hoặc tăng thêm 18 giờ nghỉ phép/năm (tương đương 2,5 ngày phép)…

Hiện LĐLĐ thành phố có 3.757 CĐCS doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước có sử dụng đông lao động nữ, tuy nhiên hiện nay chỉ có 49 doanh nghiệp được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế theo quy định của pháp luật về thuế dành cho doanh nghiệp sử dụng đông LĐN.

Đại diện LĐLĐ Thành phố Hà Nội cho biết phản ánh từ phía CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở và CĐCS là do thủ tục để được hưởng lợi từ chính sách này phức tạp. Do đó, đề nghị Tổng LĐLĐVN có kiến nghị với các cơ quan chức năng nhằm tháo gỡ để doanh nghiệp sử dụng đông LĐN được hưởng chính sách này của Chính phủ. Đây cũng là đề nghị của CĐ Dệt may Việt Nam. Trong đó, kiến nghị Tổng LĐLĐVN hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy để chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động đầu tư xây dựng nhà trẻ, lớp mẫu giáo, cơ sở y tế, công trình văn hóa và các công trình phúc lợi khác; chính sách giảm thuế đối với doanh nghiệp sử dụng nhiều LĐN được thực thi trên thực tế; đầu tư xây dựng, hỗ trợ chính sách, tạo điều kiện để NLĐ được tiếp cận các loại hình nhà ở xã hội, các nguồn kinh phí chuyển đổi nghề nghiệp, đào tạo nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp…

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.