0
(0)

Thời gian vừa qua, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam. Điều này cho thấy Việt Nam trở thành ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Apple chuyển nhiều nhà máy trong chuỗi cung ứng sang Việt Nam

Tại Hội nghị về tình hình và đề xuất nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh 6 tháng cuối năm 2022, bà Đỗ Thị Thúy Hương – Phó chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, thời gian qua, dù gặp nhiều khó khăn do sự ảnh hưởng của dịch bệnh, xuất khẩu của ngành điện tử vẫn đạt 108,35 tỉ USD, tương đương 32% tổng kim ngạch, xuất siêu 11,5 tỉ USD trong năm 2021.

Trong đó, Apple đã chuyển 11 nhà máy của các doanh nghiệp Đài Loan thuộc chuỗi cung ứng sang Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp khác như Foxconn, Luxshare, Pegatron, Wistron cũng mở rộng quy mô sẵn có tại Việt Nam.

Samsung cũng quyết định xây dựng trung tâm nghiên cứu và phát triển lớn nhất khu vực Đông Nam Á với tổng giá trị đầu tư 220 triệu USD ở Hà Nội.

Hãng cũng triển khai kế hoạch mở rộng nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên. Đầu năm nay, Đồng Nai đã cấp phép đầu tư hai dự án trị giá 100 triệu USD của công ty Hansol Electronics Việt Nam (Hàn Quốc), nhà cung cấp linh kiện cho Samsung.

Tại báo cáo vĩ mô vừa được công bố hôm nay (30.6), HSBC cho biết, tổng FDI vào ASEAN-6 (Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Việt Nam và Philippines) trung bình mỗi năm đạt gần 127 tỉ USD kể từ 2010, gần gấp 3 lần so với một thập kỷ trước đó.

Trong đó, HSBC nhấn mạnh, Việt Nam là ví dụ nổi bật về câu chuyện thành công về các nền kinh tế được thúc đẩy bởi FDI. Việt Nam đã chuyển mình thành một ngôi sao đang lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu, chiếm được thị phần toàn cầu đáng kể trong nhiều lĩnh vực, bao gồm dệt may, giày dép và điện tử tiêu dùng.

Theo HSBC, ban đầu, phần lớn vốn đầu tư đổ vào các lĩnh vực tạo giá trị cộng thêm thấp như dệt may và giày dép.

Tuy nhiên, trong những năm qua, Việt Nam đã tiến lên trong chuỗi giá trị, trở thành trung tâm sản xuất chính cho các sản phẩm điện tử trong 2 thập niên gần đây. Xuất khẩu hàng điện tử đã đạt mức cao kỷ lục 100 tỉ USD trong năm 2021, chiếm hơn 30% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam; vào 20 năm trước, tỉ trọng này chỉ chiếm 5%.

Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng

HSBC tin rằng, chiến lược thu hút FDI cạnh tranh và những điều kiện vĩ mô cơ bản lành mạnh của Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI chất lượng, yếu tố chính giúp nền kinh tế tiến lên trong chuỗi giá trị.

“Tham vọng công nghệ của Việt Nam không chỉ dừng lại ở việc trở thành trung tâm sản xuất cấp thấp. Tuy nhiên, điều này có nghĩa là cần nhiều cải cách hơn nữa, bao gồm cả nâng cao tay nghề của lực lượng lao động và cải thiện chất lượng cơ sở hạ tầng, để có thể nắm bắt nhiều cơ hội” – chuyên gia HSBC nhận xét.

Còn bà Đỗ Thị Thúy Hương cho rằng, để thu hút nhiều dòng vốn FDI và phát triển ngành điện tử, Chính phủ có chính sách chọn lọc quy mô lớn nhằm thu hút các doanh nghiệp lớn có công nghệ tiên tiến, hàng đầu trên thế giới. Tuy nhiên, các chính sách phải đi kèm điều kiện sản xuất sạch, bảo vệ môi trường và không xả thải ra môi trường.

Việc thu hút FDI tại Việt Nam cần tạo sức lan tỏa để doanh nghiệp Việt có nhiều cơ hội việc làm và tham gia vào chuỗi cung ứng của các “ông lớn”. Tránh xảy ra tình trạng FDI kéo theo một loạt doanh nghiệp phụ trợ để chiếm lĩnh thị trường, cạnh tranh với doanh nghiệp nội, tiêu thụ tài nguyên, năng lượng của đất nước.

Song song, Chính phủ nên có thêm các chính sách hỗ trợ nâng cao chất lượng lao động. Các cơ quan chức năng cũng cần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ tín dụng của Chính phủ.

Ngoài việc ưu đãi cho FDI, Chính phủ cần hỗ trợ doanh nghiệp trong nước để nâng cao nội lực, giữ được thị trường nội địa.

Bài viết này hữu ích như thế nào?

Bấm vào một ngôi sao để đánh giá nó!

Đánh giá trung bình 0 / 5. Số phiếu bầu: 0

Không có phiếu bầu nào cho đến nay! Hãy là người đầu tiên đánh giá bài viết này.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.